Phục hồi chức năng cho bệnh nhân chấn thương sọ não
Chấn thương sọ não xảy ra do chấn thương vùng đầu sọ đột ngột làm tổn thương não, dẫn đến các rối loạn chức năng của não bộ. Các phương pháp phục hồi chức năng thường được thực hiện từ rất sớm ngay ở các đơn vị hồi sức cấp cứu để tránh các di chứng, thương tật thứ cấp, từ đó rút ngắn thời gian điều trị sau này.
1. Các dấu hiệu chấn thương sọ não gây ra
- Rối loạn ý thức
- Liệt vận động
- Gồng cứng cơ
- Rối loạn nhận thức
- Rối loạn tâm thần
- Rối loạn giác quan, bao gồm cảm giác xúc giác, thị giác, thính giác, vị giác
- Rối loạn nuốt và ngôn ngữ
- Rối loạn đại tiểu tiện
Sau đó, nếu người bệnh không được chăm sóc tốt, có thể dẫn đến các thương tật thứ cấp, ví dụ như:
- Teo cơ
- Cứng khớp
- Loãng xương
- Loét do tì đè
- Viêm phổi
- Huyết khối tĩnh mạch
- Trầm cảm
-
2. Phục hồi chức năng cho bệnh nhân chấn thương sọ não
2.1 Ý nghĩa của phục hồi chức năng với bệnh nhân chấn thương sọ não
Không phải bệnh nhân chấn thương sọ não (CTSN) nào cũng cần phục hồi chức năng. Với các trường hợp bị CTSN nhẹ, sau một thời gian nghỉ ngơi và kiểm soát đau tốt, bệnh nhân có thể hoàn toàn hồi phục mà không để lại bất kỳ di chứng nào. Số bệnh nhân này chiếm tỷ lệ rất ít, còn lại đa số bệnh nhân cần tham gia PHCN để cải thiện chức năng vận động, nhận thức, ngôn ngữ và các rối loạn khác với mục tiêu nhằm đưa bệnh nhân về cuộc sống với mức độ độc lập nhất có thể.
Các phương pháp PHCN thường được thực hiện từ rất sớm ngay ở các đơn vị hồi sức cấp cứu để tránh các di chứng, thương tật thứ cấp, từ đó rút ngắn thời gian điều trị sau này.
Các phương pháp PHCN được áp dụng không giống nhau ở các bệnh nhân mà phải phụ thuộc vào rối loạn và mức độ rối loạn chức năng thần kinh ở mỗi người.
3. Các phương pháp phục hồi chức năng cho bệnh nhân chấn thương sọ não
3.1 Vận động trị liệu
Là phương pháp sử dụng các bài tập để làm cải thiện chức năng vận động cho bệnh nhân, bao gồm chức năng hoạt động của khớp, cơ, khả năng dịch chuyển, di chuyển. Đồng thời, vận động trị liệu còn giúp người bệnh phòng tránh được các di chứng đáng tiếc do hạn chế vận động như teo cơ, cứng khớp, loãng xương, tắc mạch, viêm phổi.
-
Tùy vào mức độ vận động và khả năng phối hợp của người bệnh mà bệnh nhân được lên kế hoạch điều trị bằng các bài tập vận động khác nhau:
- Bài tập vận động theo tầm vận động khớp
- Bài tập mạnh cơ
- Bài tập thăng bằng
- Bài tập dịch chuyển ở tư thế nằm, từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng, dịch chuyển sang xe lăn, dịch chuyển trong nhà vệ sinh…
- Bài tập di chuyển: bài tập đứng, đi, tập dáng đi, tập đi với dụng cụ trợ giúp như nẹp chân, gậy, nạng, khung tập đi…
3.2 Hoạt động trị liệu
Các bài tập hoạt động trị liệu thường tập trung vào việc cải thiện khả năng nhận thức, chức năng bàn tay và khả năng sinh hoạt hàng ngày của người bệnh
- Tập nhận thức: nhằm cải thiện khả năng nhận thức bao gồm nhận thức không gian, thời gian, khả năng tư duy logic, ngôn ngữ, tăng khả năng tập trung và trí nhớ
- Cải thiện chức năng bàn tay thông qua các bài tập vận động vùng cổ, bàn tay, ngón tay, tập cầm nắm, và các vận động tinh tế phức tạp theo từng mức độ
- Cải thiện chức năng sinh hoạt hàng ngày bằng các bài tập thích nghi như tập mặc quần áo, tập vệ sinh cá nhân, tập ăn uống…
3.3 Ngôn ngữ trị liệu
Bệnh nhân chấn thương sọ não có rối loạn nuốt hoặc rối loạn ngôn ngữ, thất ngôn sẽ được điều trị tại các đơn vị ngôn ngữ trị liệu để cải thiện khả năng nhai, nuốt và cải thiện khả năng giao tiếp:
- Điều trị rối loạn nuốt: các bài tập vận động vùng hàm mặt, miệng, môi, lưỡi, bài tập kích thích cảm giác, điện xung kích thích và bio-feedback, tập ăn với thực phẩm và dụng cụ thích nghi như cốc uống nước khuyết mũi, chất làm đặc…
- Điều trị bệnh nhân thất ngôn: các bài tập vận động miệng, bài tập phát âm, cải thiện khả năng ghi nhớ, tập trung, định danh…
-
3.4 Phục hồi chức năng điều trị rối loạn đại tiểu tiện
Bệnh nhân có thể được tập các bài tập tăng cường sức mạnh vùng đáy chậu, tập Biofeed-back điều khiển khả năng vận động cơ thắt, hoặc sử dụng các biện pháp điện xung kích thích điều trị nhằm cải thiện vận động, cảm giác và sự phối hợp hoạt động của bàng quang – cơ thắt niệu đạo, khả năng cảm nhận trực tràng và khả năng bài xuất phân
3.5 Vật lý trị liệu
- Điện trị liệu: các phương pháp điện xung kích thích cơ làm tăng cường hoạt động của nhóm cơ yếu, liệt, cải thiện tình trạng teo cơ, hoặc các dòng điện xung giảm đau rất có giá trị ở bệnh nhân chấn thương sọ não.
- Nhiệt điều trị: như Parafin, đèn hồng ngoại, siêu âm điều trị, sóng ngắn… thường được sử dụng ở các bệnh nhân bị đau khớp, với tác dụng giảm co cứng, giảm đau, tăng cường dinh dưỡng cơ. Mặc dù rất hiệu quả nhưng các biện pháp này không thể sử dụng ở bệnh nhân rối loạn cảm giác, rối loạn nhận thức, rối loạn tri giác.
- Thủy trị liệu: có tác dụng tăng cường tuần hoàn, giảm co cứng cơ, tăng sức mạnh cơ ở bệnh nhân chấn thương sọ não.